Bariavungtaucity  - Bản tin hàng ngày

Toàn cảnh thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu sau dịch Covid-19

Bức tranh toàn cảnh về thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giúp anh/chị cập nhật được tình hình mới nhất đang diễn ra tại “phố biển - xứ mỏ” sau dịch Covid-19.

thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu 1

Thị trường phục hồi nhanh chóng

Dịch bệnh đã có những tác động chung đến thị trường bất động sản của cả nước, và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên Bà Rịa - Vũng Tàu được cho là khu vực có sự phục hồi nhanh chóng nhất, ít nhất là so với các tỉnh ở miền Nam.

Ngay cả khi chưa hết lệnh giãn cách thì mức độ quan tâm về bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã được thể hiện một cách rõ nét. Thống kê của batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 9/2021, lượng người tìm kiếm về nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu có dấu hiệu tăng nhẹ. Đặc biệt trong giai đoạn từ 15 - 27/9, lượt tìm kiếm về nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu tăng đột biến lên 20% so với trước đó.

Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2021 của batdongsan.com.vn cho thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nhìn chung ảm đạm. Bằng chứng là sự sụt giảm mức độ quan tâm của các tỉnh thành vốn được ví là “minh tinh” của thị trường bất động sản khu vực phía Nam, như Bình Dương và Đồng Nai giảm 35%, Tp. HCM giảm 33%, Khánh Hòa giảm 32% (số liệu tháng 7/2021).

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít các tỉnh ghi nhận làn sống đầu tư vẫn mạnh mẽ bất chấp dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh có 39 dự án đầu tư được cấp mới. Trong đó có 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.

Sốt đất một lần nữa diễn ra

thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu 2

Hình ảnh nổi bật nhất trên các tuyến đường cũng như tràn ngập trên báo chí hiện nay là dòng người nối đuôi nhau từ khắp mọi nơi đến Bà Rịa - Vũng Tàu xem đất. Và không khó để nhận ra sốt đất lại một lần nữa diễn ra tại tỉnh này.

Đầu năm 2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng diễn ra cơn sốt đất, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định đây chỉ là cơn sốt ảo và nhanh chóng lụi tàn khi dịch Covid-19 kéo đến. Sau hơn 4 tháng bị “đóng băng” vì dịch thì cuối tháng 9/2021 sốt đất Bà Rịa - Vũng Tàu lại một lần nữa diễn ra. Khác với cơn sốt đầu năm thì cơn sốt cuối năm được cho là sốt thật và hiện đang thu hút nhiều người tham gia, kể cả nhà đầu tư lẫn người mua thực.

Sốt đất thời điểm này không khiến giá đất tăng gấp 5 - 10 lần như thời điểm đầu năm, tuy nhiên số người quan tâm và số lượng giao dịch thì không hề kém cạnh. Từ ngày 16/10 đến nay, trung bình mỗi ngày văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận khoảng 80 - 100 hồ sơ về chuyển nhượng đất. Và con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao khi mà cuối năm chính là thời điểm người người, nhà nhà lựa chọn để mua đất hoặc đầu tư.

Giá đất rẻ, đề xuất tăng giá trong năm 2022

Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nắm giữ vai trò “cửa ngõ” đi ra biển Đông, đất đai có nhiều tiềm năng phát triển nhưng giá đất Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn chung còn rất rẻ. Cụ thể:

  • Giá đất nông nghiệp: Tại đô thị, cao nhất là 300.000 đồng/m2, thấp nhất là 131.000 đồng/m2. Tại nông thôn cao nhất là 240.000 đồng/m2, thấp nhất là 94.000 đồng/m2. Riêng huyện Côn Đảo, giá đất nông nghiệp cao nhất là 218.000 đồng/m2, thấp nhất là 131.000 đồng/m2.
  • Giá đất phi nông nghiệp ở đô thị: Ở Tp. Vũng Tàu, cao nhất là 24,7 triệu đồng/m2, thấp nhất là 3,45 triệu đồng/m2. Ở Tp. Bà Rịa, cao nhất là 14 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,47 triệu đồng/m2. Ở thị xã Phú Mỹ, cao nhất là 9 triệu đồng/m2, thấp nhất là 750.000 đồng/m2. Ở các khu vực khác, cao nhất là 5 triệu đồng/m2, thấp nhất là 330.000 đồng/m2.
  • Giá đất phi nông nghiệp ở nông thôn: Ở Tp. Vũng Tàu và Tp. Bà Rịa, cao nhất là 3,6 triệu đồng/m2, thấp nhất là 660.000 đồng/m2. Tại thị xã Phú Mỹ, cao nhất là 3,3 triệu đồng/m2, thấp nhất là 630.000 đồng/m2. Tại các khu vực khác, giá cao nhất là 2,2 triệu đồng/m2, thấp nhất là 270.000 đồng/m2. Riêng huyện Côn Đảo, cao nhất là 4,5 triệu đồng/m2, thấp nhất là 960.000 đồng/m2.

Chính vì vậy lãnh đạo tỉnh đã có các đề xuất về việc điều chỉnh giá đất trên toàn tỉnh trong năm 2021.

Cụ thể, ngày 25/10/2021 đã diễn ra cuộc họp về việc điều chỉnh bảng giá đất các loại định kỳ 5 năm trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2014. Theo đó, những nội dung được đề xuất bao gồm:

  • Tăng giá đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản) ở khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh;
  • Tăng giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh và đất thương mại;
  • Điều chỉnh, sửa đổi và hoàn thiện một số nội dung về cách xác định vị trí đất theo tuyến đường;
  • Điều chỉnh, bổ sung một số tuyến đường, đoạn đường, khu vực đã được đầu tư hoàn chỉnh, nâng cấp;
  • Điều chỉnh đổi tên tuyến đường, điểm đầu, điểm cuối tuyến đường, điều chỉnh cấp loại đường, tuyến đường.

Xuất hiện những “ngôi sao mới” trên thị trường

thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu 3

Không phải Tp. Vũng Tàu hay Tp. Bà Rịa mà huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ chính là những điểm sáng trong bức tranh về thị trường nhà đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cuối năm 2021. Điều này giống như quy luật chung của thị trường bất động sản - khi đất trung tâm bắt đầu đắt đỏ và khan hiếm thì đất của những khu vực lân cận sẽ trở thành “ngôi sao” đầy tiềm năng. Đó là những nơi có giá đất “mềm”, hạ tầng phát triển nhanh và kinh tế có nhiều thay đổi rõ rệt.

  • Đất huyện Đất Đỏ: Sự phát triển của hạ tầng, sự xuất hiện của các khu công nghiệp, khu đô thị cùng dự án sân bay Lộc An được phê duyệt đã giúp cho nhà đất tại khu vực này được nhiều người chú ý. Nếu như 2 năm trở về trước, mối sào đất ruộng diện tích 1000m2 tại đây chỉ có giá khoảng vài trăm triệu thì nay đã tăng lên con số tiền tỷ. Dẫu vậy sự quan tâm của giới đầu tư dành cho khu vực này vẫn tăng theo cấp số nhân.
  • Đất huyện Châu Đức: Là một huyện nhỏ nằm ở phía Bắc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 2 năm trở lại đây huyện Châu Đức đã khiến giới đầu tư kinh ngạc về sức hút của mình. Hiện huyện đang đón nhận làn sóng đầu tư của hàng loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dự án khu đô thị dân sinh. Điều này đã giúp cho “bộ mặt” của huyện thay đổi đáng kể, kéo theo đó là sự tăng giá trị và giá cả của đất đai.
  • Đất thị xã Phú Mỹ: Không phải đến cuối năm 2021 thị xã Phú Mỹ mới được giới đầu tư chú ý đến, mà cách đây vài năm thì khu vực này đã nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Với việc sở hữu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (cụm càng biển lớn thứ 19 trên thế giới) + chính sách quy hoạch và phát triển đô thị + mạng lưới giao thông vận tải hiện đại và đồng bộ + sự tập trung của nhiều khu công nghiệp lớn,... đã giúp cho bất động sản thị xã Phú Mỹ trở nên tiềm năng hơn bất cứ khu vực nào tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Đất huyện Xuyên Mộc: Là huyện ven biển nằm ở phía Đông Bắc, có diện tích lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sở hữu bờ biển dài hơn 32km, khí hậu ôn hòa, mát mẻ đã giúp huyện trở thành mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, sự có mặt của bãi biển Hồ Tràm và Hồ Cốc đã thu hút lượng khách du lịch lớn hàng năm. Những năm gần đây, huyện Xuyên Mộc được giới đầu tư “săn đón” để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên hiện nay giới đầu tư quan tâm đất xuyên Mộc không chỉ là phân khúc nghỉ dưỡng mà còn là đất nền, nhà phố, khu công nghiệp,...

Đất nền khu công nghiệp được săn đón

thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu 4

Làn sóng đầu tư vào đất khu công nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện từ năm 2019 và tiếp tục bùng nổ vào thời điểm cuối năm 2021. Theo thống kê từ trang tin batdongsan.com.vn thì trong tháng 9/2021, lượng người tìm kiếm bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20% so với trước đó, trong đó xu hướng tìm kiếm bất động sản tại đây chủ yếu hướng về phân khúc đất nền và tập trung quanh khu vực có khu công nghiệp.

Nếu như trước đây, sức mua của thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung chủ yếu vào Phú Mỹ thì hiện nay Châu Đức đã trở thành điểm ngắm mới khi nói về đầu tư đất nền khu công nghiệp. Lý giải cho sự thay đổi này, các chuyên gia cho biết Châu Đức hiện đang sở hữu nhiều lợi thế nối trội để bất động sản trở nên thu hút.

  • Thứ nhất, việc sở hữu khu công nghiệp lớn nhất tỉnh - Sonadezi Châu Đức với diện tích 2.287 ha, mỗi năm thu hút hơn 60 doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ,... cùng 80.000 - 120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân đến đây làm việc đã giúp cho bất động sản khu công nghiệp và liền kề khu công nghiệp tại huyện Châu Đức được chú ý đến. Ngoài ra, Khu công nghiệp Đá Bạc với diện tích 1.058 ha cũng là “điểm nóng” đang được giới đầu tư chú ý hiện nay.
  • Thứ hai, các thông tin về tăng trưởng diện tích các khu công nghiệp mới tại huyện Châu Đức đã tạo sóng đầu tư tại đây. Theo đó, các thông tin về việc Thủ tướng phê duyệt chủ trương làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thông tin đề xuất thêm 5.700 ha đất khu công nghiệp hay thông tin Tập đoàn Quantum (Mỹ) ngỏ ý đầu tư 5 tỷ USD vào Long Sơn đã giúp cho thị trường bất động sản Châu Đức trở nên sôi động hơn.
  • Thứ ba, hạ tầng huyện Châu Đức ngày càng được đầu tư, phát triển đã trở thành bệ phóng để tăng giá trị và sức hút của bất động sản. Một số tuyến đường quan trọng của huyện đang được đầu tư như: Quốc lộ 56 mở rộng, kéo dài 12km qua Tp. Bà Rịa; Hương lộ 2 mở ộng lên 32m; các tuyến đường Bình Ba - Đá Bạc, Mỹ Xuân - Ngãi Giao cũng được nâng cấp; đặc biệt là trục Bắc Nam D.02A của Khu công nghiệp Sonadezi kết nối với khu công nghiệp Hòa Long lộ giới 54m đang được thi công, đấu nối vào Quốc lộ 56 đã giúp cho bộ mặt của huyện thay đổi, tạo nên sự thuận lợi trong kết nối và giao lưu.

Có thêm đòn bẩy để phát triển

Sự sôi động của thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu sau dịch ngoài các lý do kể trên thì không thể không nói đến ảnh hưởng của Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND. Đây là quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 và dùng để thay thế cho Quyết định 18/2019/QĐ-UBND.

Theo đó, các điểm mới tại Quyết định 15 có tác động đến thị trường bất động sản tỉnh bao gồm:

- Bãi bỏ một số quy định chưa phù hợp, gây phát sinh thủ tục hành chính tại Quyết định 18, như: bãi bỏ quy định tách thửa đối với quy mô diện tích lớn, tách thửa đất nông nghiệp với quy mô diện tích lớn (hơn 2.000m2 tại Tp. Vũng Tàu và hơn 5.000m2 tại các khu vực khác), bỏ nội dung “đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải đắp bờ trước khi tách thửa”;

-Quy định về diện tích đất tổi thiểu sau khi tách thửa “dễ thở” hơn so với Quyết định 18, cụ thể:

  • Đối với đất ở có nhà thì diện tích đất tối thiểu để tách thửa là: đối với đất đô thị và huyện Côn Đảo là 36m2 trở lên, có cạnh tiếp giáp với đường giao thông không nhỏ hơn 4m, chiều sâu thửa đất đất không nhỏ hơn 4m tại đường phố có lộ giới nhỏ hơn 20m. Đối với đất diện tích từ 45m2 trở lên thì có cạnh tiếp giáp với đường giao thông không nhỏ hơn 5m, chiều sâu không nhỏ hơn 5m tại đường phố có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 2m. Còn các xã còn lại là 40m2.
  • Đối với đất ở chưa xây nhà ở thì diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa là: khu vực đô thị và huyện Côn Đảo là 60m2, các xã còn lại là 80m2.
  • Đối với đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu là 100m2.
  • Đối với đất nông nghiệp: Nếu thuộc quy hoạch đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách tại các phường, thị trấn là 500m2 và tại các xã là 1.000m2. Nếu thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu như quy định về đất ở và phải có ít nhất 1 cạnh tiếp giáp với đường giao thông.

Xuất hiện xu hướng mua/đầu tư mới

thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu 5

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và xu hướng sống mới của con người. Thay vì cố gắng bon chen với đất thành phố vốn đắt đỏ và chật chội thì nay - sau hơn 4 tháng bị “cấm túc” trong nhà, con người đã có xu hướng sống “xanh”.

Điều đó có nghĩa là họ đang tìm một nơi không cách xa Tp. HCM có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng, nơi đó phải là nơi gần hồ/sông/biển, có khí hậu tốt, gần gũi với thiên nhiên, không gian rộng lớn và trong lành,... Đó có thể là nơi để ở cố định nhưng cũng có thể là “ngôi nhà thứ 2” để tránh dịch hoặc nghỉ dưỡng vào cuối tuần. Và nơi đó chính là các tỉnh vùng ven tại Tp. HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là cái tên được nhiều người lựa chọn nhất thời điểm này. Nói về nghỉ dưỡng thì không nơi đâu tập trung nhiều điểm du lịch như là Bà Rịa - Vũng Tàu. Nói về khoảng cách thì sự có mặt của các tuyến đường như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56 cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 4,... không chỉ thuận lợi trong việc di chuyển nội tỉnh mà còn dễ dàng để kết nối với các khu vực khác lân cận. Nói về giá cả thì so với các tỉnh lân cận Tp. HCM, giá đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu còn quá rẻ. Còn nói về tiện ích thì sự đô thị hóa đang diễn ra trên diện rộng đã giúp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những nơi đáng sống nhất ở Việt Nam hiện nay.

Biệt thự, nhà phố là 2 loại hình được ưa chuộng nhất trong xu hướng này. Đặc biệt là những sản phẩm được xây dựng khép kín, tích hợp nhiều tiện ích, thuận tiện trong việc đi lại, phù hợp để vừa ở vừa nghỉ dưỡng,... sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Tổng kết

Tình hình thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu sau dịch Covid-19 nhìn chung khá khả quan. Tuy nhiên đầu tư nhà đất thời điểm này vẫn chưa phù hợp để lướt sóng. Đặc biệt đối với nhà đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, tính toán và cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.

Xem thêm: